Đám cưới tại Thổ Nhĩ Kỳ

Đám cưới – một nghi lễ vô cùng quan trọng đối với bất cứ ai ở bất cứ đâu trên thế giới. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đám cưới diễn ra có gì khác biệt? 


Hẹn hò 

Đầu tiên, cần phải đề cập đến chuyện hẹn hò của người Thổ.

Ở các thành phố lớn, việc hẹn hò tự do giữa nam và nữ diễn ra rất thoải mái, không bị gò bó hay có bàn tay can thiệp của gia đình.

Tuy nhiên, ở những thành phố bé hơn hoặc những vùng nông thôn, truyền thống cũ vẫn còn tồn tại: cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Có nghĩa là, cha mẹ của hai bên nam và nữ sẽ tự chọn bạn đời cho con của mình. Cũng phải lưu ý rằng, chuyện tìm người thân thích họ hàng (thậm chí là anh em họ) để thành bạn đời của con mình cũng là chuyện bình thường tại 1 số thành phố ở Thổ. Điều này nghe có vẻ không ổn trong văn hóa của người Việt Nam, nhưng tại Thổ, anh em họ được phép kết hôn với nhau. Tất nhiên, hiện giờ các trường hợp kết hôn trong họ hàng không còn phổ biến tại các thành phố lớn nữa.


Dạm ngõ 

Trong tiếng Thổ, đây là truyền thống “kız isteme” – tức là đi xin dâu. 

Khi một gia đình “chấm” cô gái nào đó, bố mẹ chàng trai sẽ đem sính lễ tới nhà cô gái để hỏi cưới. Nếu bố mẹ cô gái đồng ý thì coi như cô gái đã được gả cho chàng trai đó. Nhiều trường hợp cô gái còn chưa từng thấy mặt chàng trai, hoặc quen biết chỉ sơ sơ mà thôi nhưng bố mẹ đã đồng ý thì coi như bắt buộc phải lấy chàng trai đó.

Tất nhiên đó là ngày xưa. Hiện tại dù truyền thống “đi hỏi vợ” này vẫn được tiếp tục tại Thổ, nhưng thường người con trai và người con gái đã yêu nhau rồi và cùng nghiêm túc hướng tới hôn nhân thì gia đình nhà trai mới tới nhà gái để xin cưới, coi như đặt nền móng bước đầu cho mối quan hệ của 2 nhà.

Tuy nhiên, ở các thành phố nhỏ, nặng về truyền thống, một vài gia đình vẫn tiếp tục tự sắp đặt hôn nhân của con cái mình. Nếu ưng cô gái nào đó trong vùng thì họ sẽ tới nhà đó, gõ cửa và xin phép được hỏi cưới.

Trong lễ dạm ngõ, nhà trai sẽ mang hoa hồng và chocolate sang nhà gái để làm quà dạm ngõ. Trong lúc gia đình nhà gái nói chuyện với gia đình nhà trai, cô gái cùng bạn bè sẽ ở dưới bếp, pha café để bưng lên mời khách. Cách cô gái pha café khá quan trọng vì nhà trai sẽ dựa vào đây để đánh giá con dâu tương lai. Nếu café nhiều bọt và có vị ngon, chúc mừng, bạn đã được điểm “đảm đang” trong mắt nhà chồng tương lai. Tuy nhiên, với ly café của chồng tương lai, cô gái sẽ pha thêm 1 chút muối mặn để mang lại vị khó uống. Chàng trai cần uống cạn ly café để vượt qua thử thách chứng minh tình yêu của mình với cô gái.

Sau khi uống café, uống trà, thưởng thức bánh ngọt, nhà trai sẽ có đôi lời với nhà gái về việc xin phép cho đôi trẻ được kết hôn với nhau. Nhà gái sau đó sẽ trả lời là có đồng ý hay không trước khi kết thúc bữa tiệc.

Nếu nhà gái đã đồng ý thì cô gái coi như đã được hứa hôn với chàng trai, chỉ còn đợi ngày làm lễ đính hôn và chuẩn bị cho lễ cưới.


Đính hôn 

Trong tiếng Thổ, buổi lễ này được gọi là “Nişan” – tức là lễ đính ước 

Lễ đính hôn thường được tổ chức tại nhà gái và chi phí do nhà trai chi trả. Lễ đính hôn thường quy tụ cả anh em bạn bè gần gũi cũng như các hàng xóm tới tham gia. Sau đó, trang sức (thường được cô dâu thách cưới trước khi buổi lễ đính hôn diễn ra) sẽ được mẹ chú rể và họ hàng nhà chú rể trao cho cô dâu. Sau đó, cô dâu và chú rể sẽ trao nhẫn đính hôn cho nhau trước lời chúc phúc của mọi người. 

Sau khi đính hôn, nếu bên nữ phá vỡ hôn ước, tất cả đồ trang sức được tặng làm quà cưới phải được trả lại cho bên nam, ngược lại, nếu người nam là người phá vỡ hôn ước, không có gì được trả lại cả. 


Tiệc độc thân

Kına gecesi chính là tên trong tiếng Thổ của bữa tiệc độc thân, thường được diễn ra trước lễ cưới 3 đêm. Trang phục truyền thống cô dâu thường mặc trong đêm tiệc độc thân của mình có tên là Bindallım, thường có màu đỏ, đỏ tía, xanh lá, xanh dương và thêu bạc, mạ vàng lên trên. Màu đỏ là màu được ưa chuộng nhất. Bữa tiệc này, ngoài chú rể ra thì không có ai là đàn ông được có mặt.

Ở đêm tiệc này, cô dâu thường sẽ nhảy những bài múa được chuẩn bị trước xung quanh chú rể và kết thúc điệu nhảy bằng cách đập vỡ một bình gốm có chứa bột lá móng bên trong.

Tiếp theo, mẹ của chú rể sẽ lấy bột lá móng để chuẩn bị nhuộm tay cho cô dâu. Sau đó, trước khi nhuộm henna cho tay của cô dâu, bà sẽ đặt một đồng xu vàng vào lòng bàn tay của con dâu tương lai rồi phủ lên trên bằng một miếng lá móng, Cô dâu phải giữ chặt bàn tay lại không được mở ra trong suốt quá trình nhuộm. Trong khi chờ đợi lá móng lên màu, bạn bè và họ hàng thân thiết của cô dâu sẽ cùng nhảy múa xung quanh cô dâu, hát những bài hát có giai điệu buồn hoặc có lời bài hát thật cảm động. Thường cô dâu sẽ khóc khi nghe những bài này. 

Sau khi kết thúc lễ nhuộm tay, cô dâu cùng mọi người sẽ nhảy múa tự do trên nền nhạc truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ. Buổi tiệc có thể kéo dài tới tận nửa đêm mà không bị giới hạn về thời gian. 


Lễ cưới

Khi rước dâu, chú rể sẽ tới nhà cô dâu để đón dâu bằng một đoàn xe được trang trí bởi hoa. Đôi khi chú rể gặp khó khăn khi bước vào cửa nhà cô dâu vì “trò đùa” không mở cửa cho chú rể thường hay được nhà gái thực hiện. Có nhiều lúc, chú rể phải “đút lót” chút tiền hoặc kẹo cho những đứa trẻ giữ cửa bên nhà gái để chúng mở cửa cho chú rể vào đón dâu.

Sau đó, chú rể sẽ rước cô dâu tới nơi tổ chức tiệc cưới. 

Đám cưới của người Thổ cũng tràn ngập trong âm nhạc và những điệu nhảy. Các bữa ăn sẽ được phục vụ thực khách, tuy nhiên điều người ta mong chờ nhất trong đêm tiệc cưới không phải là đồ ăn mà là thời gian nhảy tự do. 

Đầu tiên, cô dâu sẽ cùng khiêu vũ và nhảy với chú rể. Sau đó cô dâu nhảy cùng gia đình, bạn bè mình, mẹ chồng cũng như các chị em bên nhà chồng. Tiếp theo tới chú rể cùng bạn bè, người thân là nam của mình. Rồi sau đó sẽ tới tiết mục nhảy tự do dành cho tất cả moi người. 

Chi phí lễ cưới thường do nhà trai lo liệu. 


Tặng quà

Không như tại Việt Nam, đó là khách tới dự lễ cưới sẽ bỏ phong bì vào thùng “hạnh phúc”, ở Thổ Nhĩ Kỳ, khách dự lễ ghim thẳng tiền hoặc vàng vào hai vạt áo của cô dâu và chú rể để tượng trưng cho lời chúc phúc.

Số tiền này được cho là để hỗ trợ một phần cho cô dâu chú rể bắt đầu với cuộc sống tương lai cùng nhau.

Dù thật ra cách làm này hơi..thiếu tế nhị nhưng với người Thổ thì đó lại là một truyền thống có từ lâu đời và không thể thiếu. 

Điều đặc biệt trong đám cưới bên Thổ, trái ngược với đám cưới “ấm cúng, thân mật” của phương Tây, hay các đám cưới được tính sẵn số mâm bàn như ở Việt Nam, với người Thổ, đám cưới càng đông người tham dự thì sẽ càng vui! Do vậy, khi đi dự một đám cưới, bạn hoàn toàn có thể rủ cả người thân, bạn bè hay thậm chí hàng xóm của mình đi cùng để xem cũng được, và tất nhiên là không ai bị bắt buộc phải tặng quà, tặng tiền, tặng vàng cho cô dâu chú rể cả!

Và 1 điều to đùng cần ghi nhớ, luật pháp Thổ chỉ cho phép 1 vợ-1 chồng! Do vậy, nếu các bạn có nghe “tin đồn” nào là đàn ông Thổ được lấy nhiều hơn 1 vợ thì đó chắc chắn SAI HOÀN TOÀN nha!

Văn hóa hôn tay người lớn tuổi

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, bạn sẽ thường xuyên gặp cảnh những người lớn tuổi được hôn tay bởi những người trẻ hơn. 

Đây là một hành động bày tỏ lòng tôn trọng của những người trẻ với người lớn hơn mình. Họ sẽ hôn tay người lớn tuổi rồi sau đó đặt bàn tay vừa được hôn lên trán mình. 


Vậy khi nào chúng ta sẽ hôn tay người lớn tuổi? Có phải cứ khi nào gặp người lớn tuổi là phải hôn tay không?

Câu trả lời là Không. Chỉ trong 1 vài dịp chúng ta mới nên thực hiện nghi lễ này. 

– Một người con đi xa trở về sẽ hôn tay bố mẹ mình khi gặp lại.

– Những người cháu trong gia đình khi đến thăm ông bà, họ hàng lớn tuổi, sẽ hôn tay họ trước khi hỏi thăm sức khỏe. 

– Trong những ngày lễ quan trọng trong đạo Hồi, văn hóa hôn tay cũng được diễn ra rất phổ biến.

– Hay những dip quan trọng như đám cưới, cô dâu chú rể cũng thực hiện việc hôn tay bố mẹ và những người lớn tuổi hơn trong gia đình.

– Nếu bạn tới thăm gia đình một người bạn thân thiết tại Thổ, dù không ai ép buộc nhưng có quy luật ngầm rằng bạn nên hôn tay người lớn tuổi hơn trong gia đình người bạn đó để tỏ lòng kính trọng. 

Văn hóa hôn tay này có mặt ở khắp mọi nơi tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên không phải bạn cứ gặp bất cứ người lớn tuổi nào cũng nên làm vậy. Bạn chỉ nên hôn tay những người họ hàng trong gia đình mình hoặc gia đình những người thân thiết với mình mà thôi. 


Văn hóa hôn tay được cho là bắt nguồn từ phương Tây từ thế kỷ 17. Sau đó nó được thịnh hành rộng rãi trong khoảng thế kỷ 18-19 rồi dần dần biến mất. Cho tới ngày nay, gần như truyền thống này chỉ được thực hiện tại 1 vài quốc gia và Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số đó.  

Ở Thổ, tuy gọi là “hôn tay”, nhưng họ không thực sự đặt 1 nụ hôn lên bàn tay người lớn tuổi. Cách họ làm là đặt cằm mình lên bàn tay người đó tượng trưng cho nụ hôn để đảm bảo vệ sinh. 

Trong đại dịch Covid-19, văn hóa hôn tay này gần như bị cấm tại Thổ để tránh lây lan dịch bệnh.  


Celebrating bayram concept.

Một số câu thành ngữ, tục ngữ trong tiếng Thổ liên quan tới văn hóa này:

“El öpenlerin çok olsun”   – cầu mong con cũng sẽ có nhiều người hôn tay mình

Ý nghĩa là hy vọng về sau bạn cũng sẽ trở thành người được kính trọng và yêu thương

Bükemediğin Eli Öpeceksin” – bạn sẽ hôn tay người mà bạn không thể vượt qua

Ý nghĩa là bạn nên chấp nhận tôn trọng người biết nhiều hơn bạn. 

“El öpmekle dudak aşınmaz” – Hôn tay không làm cho môi bạn mòn đi

Ý nghĩa là khi bạn chấp nhận rằng mình sai ở một vấn đề nào đó, hoặc khi bạn thể hiện sự tôn trọng của mình với một người nào đó xứng đáng, bạn sẽ chẳng mất đi danh dự hay giá trị của mình. 

“el öpüp başa koymak” – Hôn tay và đặt lên trán

Ý nghĩa câu thành ngữ này thể hiện chính xác hành động hôn tay trong truyền thống: sau khi hôn 1 bàn tay ai đó, chúng ta sẽ đặt bàn tay đó lên trán mình. Câu này thể hiện việc bạn nên tỏ lòng kính trọng với 1 việc/1 người nào đó trong 1 vấn đề nào đó. 

“Öpülecek el ısırılmaz” – Đừng cắn bàn tay mà bạn sẽ hôn

Câu thành ngữ này có ý nói rằng đừng tỏ ra bất kính với người mà bạn cần tôn trọng. 

Lễ Kurban

Lễ Kurban (Kurban bayramı) – hay còn được gọi là Lễ Hiến Tế, cùng với lễ Ramazan là 2 kỳ lễ quan trọng nhất trong đạo Hồi.


Đúng như tên gọi của nó, Lễ Hiến Tế – tức là trong lễ này, người đạo Hồi sẽ hiến dâng 1 con vật nào đó (như bò, cừu, dê,…) để tỏ lòng thành kính và biết ơn với Đức Chúa Trời Allah. (Trong tiếng Việt chúng ta hay được nghe tên “Thánh Allah” – đây không phải một cách gọi tên đúng. Trong đạo Hồi, Allah là Thượng đế, là đức Chúa Trời khai sinh ra vạn vật, là một và là duy nhất, do vậy ngài không phải là “Thánh”)

Về nguồn gốc của ngày lễ Kurban bắt đầu từ rất rất xa xưa – thời của Sứ Giả Ibrahim. Khi ấy, trong giấc mơ, sứ giả Ibrahim được báo mộng về việc ông cần hiến tế con trai của chính mình cho đức Chúa Trời. Để tỏ lòng thành kính với Thượng đế, ông sẵn lòng vâng lời như được báo mộng. Ngay khi ông chuẩn bị hiến tế người con trai của mình, Thượng Đế đã xuất hiện và ban cho ông một con cừu để làm vật hiến tế thay cho người con trai. Từ đó trở về sau, hàng năm các gia đình đạo Hồi lại thực hiện việc hiến sinh một con vật nào đó để tỏ lòng thành kính, biết ơn với Thượng Đế và thể hiện đức tin của họ về sự tồn tại của Ngài. 


Lễ Kurban được tổ chức hàng năm, diễn ra sau lễ Ramazan khoảng 2 tháng. 

Trước Lễ Kurban vài ngày, những gia đình đạo Hồi thường đi chọn mua những con vật họ sẽ hiến tế. Những người con ở xa gia đình sẽ tìm cách về nhà trước ngày Lễ Kurban diễn ra. Do vậy, vào thời gian gần ngày đầu tiên và cuối cùng của Lễ, giao thông gần như kẹt cứng, các phương tiện công cộng di chuyển giữa các thành phố cũng kín chỗ từ rất sớm. 

Lễ Kurban diễn ra trong 4 ngày. Vào buổi sáng của ngày đầu tiên, mọi người sẽ tới nhà thờ cầu nguyện trước khi trở về nhà và thực hiện nghi thức hiến tế. 

Ở các vùng thôn quê, họ vẫn giữ truyền thống như xưa, đó là người chủ gia đình sẽ cầu nguyện và giết thịt con vật được chọn ngay trong vườn nhà của mình. Sau đó, họ cùng nhau làm sạch và chia thịt thành các phần khác nhau. Nhưng ở các thành phố, hành động giết thịt động vật trong vườn nhà như này đã bị cấm để đảm bảo vệ sinh. Thay vào đó, các gia đình thường đến những nơi giết mổ tập trung ở ngoại ô thành phố để thuê người giết thịt con vật. Người làm thịt ở những khu này sau khi giết thịt sẽ làm sạch và đóng gói thịt lại cẩn thận theo đúng yêu cầu của mỗi gia đình. 


Theo đúng tinh thần của ngày Lễ Kurban, đây không chỉ là ngày lễ hiến tế mà còn là ngày lễ gia đình quây quần và sẻ chia. Các thành viên trong gia đình sẽ cùng tụ họp, trẻ em được mua quần áo mới và chia sẻ quần áo cũ của mình với những trẻ em nghèo. Thịt của con vật được hiến tế được chia cho anh em trong gia đình, hàng xóm và những người có hoàn cảnh khó khăn. Theo lời dạy của Đức Chúa Trời, ngày lễ này không phân biệt giàu nghèo, ai cũng sẽ được ăn no với những bữa ăn có thịt. Người đạo Hồi tin rằng, con vật được hiến tế không phải bị “giết” mà là được dâng lên cho Đức Chúa Trời. Bằng cách ấy, nó đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của mình và được về với Allah. Họ cũng tin rằng, khi họ hiến tế và chia sẻ, tấm lòng của họ sẽ được Allah ghi nhận và ban thưởng về sau. Đó là lý do tại sao lễ Kurban đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đạo Hồi.


Tất nhiên không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để thực hiện việc hiến tế hàng năm vì giá tiền 1 con vật sống như bò, cừu, dê,…không phải rẻ. Ý nghĩa quan trọng bậc nhất của ngày lễ Kurban là sự đoàn kết cộng đồng, nên thay vì giết thịt con vật để hiến tế, nhiều người cũng chọn cách đóng góp tiền cho các tổ chức từ thiện để thể hiện sự chia sẻ với người nghèo.  

Trong Lễ Kurban, vào ngày đầu tiên, bảo tàng và nhà thờ sẽ đóng cửa và mở lại vào ngày hôm sau. Các cơ quan hành chính, công ty nhà nước hay  doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ đóng cửa suốt 4 ngày lễ. 

Câu chúc được người Thổ sử dụng để chúc nhau trong dịp này là “Bayramınız mübarek olsun”, “Bayramınız kutlu olsun” hoặc “iyi bayramlar”

Ramazan

Ramazan không phải một “tháng ăn chay” như nhiều người lầm tưởng. Ramazan thực chất là tháng nhịn ăn khi có mặt trời và chỉ ăn khi mặt trời lặn.

Vậy Ramazan ở Thổ diễn ra như thế nào?

Cũng như các quốc gia Hồi giáo khác trên thế giới, Ramazan tại Thổ diễn ra theo lịch đạo Hồi (thường là mỗi năm, tháng Ramazan sẽ được bắt đầu sớm hơn 11 ngày so với năm trước).

Trong tháng nhịn ăn này, những người đạo Hồi không ăn, uống, hút thuốc và quan hệ tình dục trong suốt thời gian từ khi mặt trời mọc tới khi mặt trời lặn. Hành động này trong tiếng Thổ được gọi là “oruç tutmak”. Nhịn ăn là một quy tắc bắt buộc đối với người đạo Hồi, trừ trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh (không thể nhịn ăn được) và khách lữ hành. Tuy nhiên, tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhịn ăn không phải là một hành động bắt buộc theo luật nhà nước, mà hoàn toàn là tự nguyện theo luật của đạo mà thôi. Bạn là người đạo Hồi tại Thổ, bạn không nhịn ăn cũng không sao cả, khá nhiều nhà hàng vẫn mở cửa xuyên suốt tháng Ramazan. Tất nhiên là ít người đạo Hồi ngoan đạo nào tại Thổ lại không nhịn ăn trong tháng này. Cũng có những trường hợp như một người không tuân theo các quy tắc đạo Hồi ở các tháng khác (ví dụ bình thường họ vẫn dùng đồ uống có cồn), nhưng trong tháng Ramazan họ sẽ nhịn ăn theo luật đạo và không uống đồ có cồn. Lý do có thể vì tháng Ramazan được ghi trong kinh Koran rằng: đây là tháng có giá trị hơn 1000 tháng và là “vua của các tháng khác“, do vậy họ đặc biệt coi trọng ý nghĩa của việc nhịn ăn trong tháng Ramazan.


Tiếng gõ kéo theo tiếng đọc kinh vọng trên loa ở tất cả các nhà thờ khắp đất nước ngay khi mặt trời lặn báo hiệu một ngày nhịn ăn đã kết thúc. Tất cả các thành viên trong gia đình có mặt tại bàn ăn, cùng cầu nguyện trước khi thưởng thức bữa ăn sau một ngày nhịn đói thật khó khăn. Bữa ăn này được gọi là iftar.

Trước bữa iftar, Tivi sẽ chiếu các chương trình trực tiếp gồm các buổi giao lưu với người nổi tiếng hay quang cảnh tại các quảng trường lớn khi mọi người đang chờ đợi đếm ngược tới bữa iftar.

Đôi khi, mọi người tới nhà thờ để cùng nhau quây quần và chia sẻ bữa iftar tại đây. Với những mùa Ramazan diễn ra vào hè, thay vì ăn ở nhà, các gia đình Thổ cũng hay mang đồ ăn đã chuẩn bị sẵn ra ngoài công viên hoặc bãi cỏ nào đó, trải khăn xuống để làm bữa iftar ngoài trời, vừa thưởng thức bữa tối vừa hóng gió đón khí trời mát mẻ. Vì trải qua 1 ngày nhịn đói nhịn khát khó khăn nên họ rất coi trọng giờ phút cả gia đình cùng quây quần ăn bữa tối quý giá này. Tùy vào điều kiện từng gia đình, nhưng thường trong tháng Ramazan, các bữa iftar được các bà nội trợ chuẩn bị rất nhiều món và thịnh soạn để bù đắp cho một ngày không được ăn uống. Quả chà là được tiêu thụ nhiều nhất vào tháng Ramazan.

Rạng sáng, trước khi mặt trời mọc, tiếng gõ cùng tiếng đọc kinh tại nhà thờ lại vang vọng báo hiệu tới giờ của bữa ăn sahur trước buổi bình minh. Sahur là tên gọi bữa ăn trước khi ngày nhịn ăn mới lại bắt đầu.

Giờ của bữa ăn iftar sahur được tính chính xác theo từng phút do mỗi ngày, giờ mọc và giờ lặn của mặt trời lại thay đổi khác nhau.

Mùa đông mặt trời lặn nhanh hơn và mọc muộn hơn, do vậy những tháng ramazan diễn ra vào mùa đông sẽ đỡ khó khăn hơn so với mùa hè. Vào những tháng chính giữa hè, đôi khi mặt trời mọc rất sớm và gần 9h mới lặn, thời gian nhịn ăn của người đạo Hồi do đó cũng bị kéo dài hơn.


Ý nghĩa của việc nhịn ăn này là gì?

Nhịn ăn trong suốt tháng Ramazan có ý nghĩa dạy cho con người ta biết kiềm chế, tự chủ cảm xúc của mình trước những ham muốn tầm thường, đồng thời cũng để mỗi con người thấu hiểu được sự khó khăn của người nghèo khi phải nhịn đói suốt cả ngày dài. Khi thấu hiểu được hoàn cảnh đói nghèo của những mảnh đời bất hạnh, con người sẽ biết trân trọng hơn những thứ họ đang có, đôi khi chỉ đơn giản là 1 ngụm nước cũng là đang may mắn hơn rất nhiều người khác rồi.

Nhiều nhà khoa học cũng từng chứng minh rằng nhịn ăn trong tháng Ramazan thực chất là hành động có lợi cho sức khỏe. Việc nhịn ăn này có thể giúp giảm lượng cholesterol trong cơ thể, tăng cường trí não, giảm cảm giác thèm ăn kéo dài,…

Khi bạn tới Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng Ramazan, là một khách du lịch bạn hoàn toàn có thể ăn uống bình thường do các nhà hàng vẫn mở cửa phục vụ du khách. Tuy nhiên, bạn không nên ăn ở những nơi công cộng có nhiều người qua lại. Không phải vì sợ người khác đánh giá đâu 😊 mà vì trong số những người qua lại đó, chắc chắn có rất nhiều người đang nhịn ăn nhịn uống. Nếu họ nhìn thấy bạn ăn, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy khá tội lỗi đúng không nào, vì biết đâu họ đang rất đói hoặc rất khát. Vậy nên, để giữ phép lịch sự, tốt nhất chúng ta chỉ nên ăn ở những nơi kín đáo, ít người qua lại hoặc ăn trong nhà hàng. Và cũng đừng cho hay tặng một người đạo Hồi đồ ăn vào ban ngày trong tháng này nhé!


Vào ngày thứ 27 trong tháng Ramazan sẽ diễn ra Đêm Kadir (Kadir gecesi), hay còn gọi là Đêm quyền lực, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người đạo Hồi. Người ta tin rằng những câu dạy đầu tiên trong kinh Koran đã được tiết lộ với sứ giả Muhammed vào đêm Kadir này. Họ cũng tin rằng, trong đêm này, các tội lỗi sẽ được thanh tẩy, các phước lành đặc biệt sẽ được ban xuống cho những người thực sự thờ phụng và một lòng hướng về Chúa (Allah). Người ta sẽ đi nhà thờ (camii) vào đêm này để cầu nguyện, nghe đọc kinh và nhận đồ ngọt mang về.

Sau khi kết thúc tháng nhịn ăn, Lễ Hội Ramazan chính thức được bắt đầu. Lễ hội kéo dài 3 ngày và là 1 trong 2 ngày lễ (đạo) lớn nhất đối với người đạo Hồi. Lễ hội này còn được gọi là lễ hội đồ ngọt, xuất phát từ phong tục tặng đồ ngọt cho gia đình, bạn bè khi đến thăm nhau trong lễ. Mọi người mặc quần áo đẹp và đến thăm nhau. Khi gặp, người trẻ hành lễ hôn tay những người lớn tuổi hơn và thường sẽ được nhận lại phong bì lì xì. Câu nói chúc nhau trong Lễ Ramazan là “Bayramınız mübarek olsun!

Các cơ quan nhà nước hay các văn phòng, doanh nghiệp thường sẽ nghỉ 3 ngày. Trong khi đó, các khu chợ, viện bảo tàng, cửa hàng thì chỉ đóng cửa 1 ngày đầu tiên của Lễ và sẽ mở lại vào ngày thứ hai.

Kết thúc ba ngày Lễ nghỉ ngơi bên gia đình và bạn bè, mọi người quay trở lại cuộc sống thường nhật và đón chờ kỳ nghỉ lễ cũng vô cùng quan trọng sắp tới: lễ Kurban – diễn ra sau lễ Ramazan khoảng 2 tháng.