Các ngày lễ đặc biệt và ý nghĩa của chúng

  • Lễ Đầu Năm 1-1

    Ngày 1-1 hàng năm, cũng như các quốc gia khác trên thế giới, được coi là ngày đầu năm mới của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì Thổ Nhĩ Kỳ có tới hơn 95% dân số là người đạo Hồi nên họ không tổ chức ăn mừng lễ Giáng Sinh mà chỉ tổ chức chúc tụng duy nhất vào ngày đầu năm mới mà thôi.

    Trong Đêm Giao Thừa, mỗi người sẽ quây quần bên đại gia đình của mình để ăn bữa tối. Sau bữa tối, nhiều người chọn cách ở nhà, cùng tán gẫu và thưởng thức các chương trình TV hay chơi trò chơi với nhau, nhiều người khác – thường là giới trẻ – lại chào đón năm mới bằng việc đi gặp gỡ bạn bè tại các quán café, các quán ăn khuya và cùng chờ đợi khoảnh khắc đếm ngược tới Giao Thừa.  Ở các thành phố lớn, người dân cũng tụ tập tại các điểm bắn pháo hoa để đón chào khoảnh khắc năm mới về.

    Dù người Thổ không ăn mừng Lễ Giáng Sinh, nhưng bạn có thể thấy biểu tượng của ông già Noel ở khắp nơi tại Thổ khi năm mới tới gần. Họ gọi ông già Noel là Noel Baba, và có nhiều bằng chứng để họ tin rằng Noel Baba được sinh ra tại Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ.

    Rất nhiều người Thổ cũng chơi xổ số Năm Mới – loại xổ số có giá trị giải thưởng lớn nhất trong năm – lên đến 100 triệu Lira (tương đương gần 12 triệu USD). Và hầu như năm nào cũng có người trúng thưởng.

    Câu nói chúc mừng năm mới tại Thổ là: Mutlu Yıllar!

  • Ngày Tết Thiếu Nhi và Tết Chủ Quyền Quốc Gia 23-4

    Ngày 23/4/1920 là ngày Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập. Do đó nó được gọi là Tết chủ quyền quốc gia. Người sáng lập cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ – Mustafa Kemal Ataturk cũng đã chọn ngày 23/4 hàng năm làm ngày lễ Tết dành riêng cho trẻ em để nhấn mạnh rằng: ngày Chủ quyền đất nước cũng là ngày của trẻ em vì trẻ em chính là người kế vị và tiếp quản tổ quốc trong tương lai.

    Tất cả các trường học, ngân hàng, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước tại Thổ Nhĩ Kỳ đều được nghỉ vào ngày này.

    Vào ngày này, các buổi tiệc long trọng, các lễ hội nhảy múa dành riêng cho trẻ em diễn ra khắp nơi tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trẻ em khắp thế giới cùng tụ tập lại đây, ở cùng các gia đình Thổ trong 1 tuần lễ để tham gia vào các hoạt động và bữa tiệc dành cho trẻ em. Đặc biệt, một số trẻ em được đại diện ngồi vào tòa Quốc Hội và đọc các bài phát biểu của mình.

  • Quốc tế Lao động 1-5

    Ngày Quốc Tế Lao Động 1-5 tại Thổ – cũng tương tự như các quốc gia khác – là một ngày nghỉ lễ.

    Thực ra, ngày lễ này trước đó đã bị cấm tại Thổ sau cuộc đảo chính năm 1980. Tới năm 2010, nó mới được khôi phục lại trở thành 1 ngày nghỉ lễ chính thức trên toàn quốc. 

  • Ngày Tết Thanh Niên – Thể thao và tưởng nhớ Ataturk 19-5

    Trước hết, ngày 19-5 chính là ngày sinh của Mustafa Kemal Ataturk (thật trùng hợp làm sao, đây cũng là ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ những người vĩ đại luôn có sự liên kết với nhau, theo 1 cách nào đó).

    Ngày 19-5-1919 đã đánh dấu một trong những chiến thắng quan trọng nhất của Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ khi Ataturk đổ bộ vào Samsun để chống lại sự chiếm đóng của các cường quốc đồng minh. Ngày 19/5 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người dân nơi đây. Ngày này năm đó, chiến thắng oanh liệt ấy đã khiến những hy vọng về độc lập, tự do biến thành niềm tin rừng rực cháy trong lồng ngực mỗi người con đất Thổ.

     Vì ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng ấy, Lãnh tụ Ataturk đã trao tặng cho thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ ngày lễ quan trọng này, với ý nghĩa rằng: chiến thắng này thuộc về thanh niên, về lớp trẻ – những hiện tại và tương lai của đất nước.

    Lễ kỷ niệm chiến thắng lịch sử 19/5 diễn ra lần đầu tại Samsun vào năm 1926 với sự quy tụ của người trẻ khắp nơi trên đất Thổ, cũng như hàng trăm ngàn vận động viên đến từ các câu lạc bộ nổi tiếng của đất nước này như Galatasaray, Fenerbahçe. Beşiktaş…Sau đó, các thành viên của Đại Hội Thể Thao đã đề xuất với Lãnh tụ Ataturk để chọn ngày 19/5 thành ngày ngày Thanh Niên và Thể Thao. Đề xuất được chấp thuận.

    Về sau, để tưởng nhớ tới vị anh hùng dân tộc Ataturk, ngày 19/5 đã được đổi tên thành: Ngày Tết Thanh Niên – Thể Thao và tưởng nhớ Ataturk. Và cũng như các ngày lễ quan trọng khác, mọi người tại Thổ đều được nghỉ trong ngày này.

  • Ngày dân chủ và đại đoàn kết dân tộc – 15-7

    Ngày 15/7 chính thức được chọn để trở thành ngày Lễ dân chủ và đại đoàn kết dân tộc vào năm 2016.

    15/7/2016, một cuộc đảo chính nghiêm trọng đã diễn ra dưới sự tổ chức của tổ chức FETO. Khi ấy, trong tuyên bố được công bố trên đài TRT và trang web chính thức của Lực Lượng Vũ Trang Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội đã nắm được chính quyền và chuẩn bị các cuộc ám sát lãnh đạo đương thời, đồng thời ném bom quy mô lớn vào các tòa nhà quan trọng của nhà nước. Trước tình hình đó, hàng trăm ngàn con người trên khắp tổ quốc đã đổ ra đường theo lời kêu gọi của tổng thống Recep Tayyip Erdogan để biểu tình phản đối đảo chính. Hậu quả của cuộc đảo chính là hàng ngàn người bị thương và thiệt mạng. Sáng ngày 16/7, âm mưu đảo chính bị dập tắt, các binh lính tham gia đảo chính đã đầu hàng. Hàng chục ngàn binh sĩ, công chức nhà nước từ các cấp bậc khác nhau bị giam giữ do có liên quan tới âm mưu đảo chính này.

    Từ đó tới nay, hàng năm ngày 15/7 được coi là ngày dân chủ và đại đoàn kết dân tộc – để tưởng nhớ tới những nạn nhân thiệt mạng trong cuộc đảo chính cũng như để thể hiện sự đoàn kết của toàn dân trước những âm mưu chống phá chính phủ.

    Mọi người cũng đều được nghỉ vào ngày này kể từ năm 2017.

  • Tết Chiến Thắng 30-8

    Ngày 30/8/1922 cũng là một ngày vô cùng quan trọng trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là ngày kỷ niệm chiến thắng oanh liệt của cuộc Đại Tấn Công vào các căn cứ chiếm đóng của quân lính các nước đồng minh do quân đội Thổ nhĩ Kỳ thực hiện và được lãnh đạo bởi lãnh tụ Ataturk (khi ấy là Tổng Tư Lệnh cuộc chiến). Việc lập kế hoạch vụ tấn công đã được thực hiện hết sức bí mật và tỉ mỉ, tới mức không một ai biết chi tiết thời điểm xảy ra vụ tấn công ngoại trừ ngài Tổng Tư Lệnh và 1 hoặc 2 người lính thân cận của ông. Chiến thắng này mang ý nghĩa vũ đại và có tầm quan trọng to lớn đối với đất nước Thổ Nhĩ Kỳ và nhà nước Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ trẻ tuổi.  

    Kể từ đó, ngày 30/8 hàng năm được coi là ngày kỉ niệm – ngày lễ chiến thắng, và trở thành 1 trong những ngày nghỉ lễ chính thức của quốc gia.

  • Tết Cộng Hòa 29-10

    Ngày 29/10/1923, Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố thành lập Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ.

    Ngày 29/10/1933, trong bài phát biểu kỷ niệm 10 năm thành lập CH Thổ Nhĩ Kỳ, lãnh tụ Ataturk đã mô tả ngày 29/10 là ngày lễ trọng đại nhất trong các ngày lễ. Ngày lễ này mang ý nghĩa tuyên bố chủ quyền vô điều kiện của dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ đối với đất nước này. Cũng gần như ngày 2/9 của Việt Nam vậy!

Ngoài các ngày lễ đặc biệt trên, do Thổ Nhĩ Kỳ có tuyệt đại dân số theo đạo Hồi nên họ còn có 2 lễ lớn thuộc về đạo: RamazanKurban nữa! Không thể nói qua vài dòng trong bài này được, nhất định phải có 1 “tách trà” dành riêng cho hai ngày lễ đó! 😊

Leave a comment